Bệnh viên Âu Cơ

Thai nhi 5 tuần tuổi: Lời khuyên dành cho mẹ

Đăng ngày: 16-04-2019 09:12 am

Thai nhi 5 tuần tuổi: Lời khuyên dành cho mẹ
Sự phát triển của thai nhi 5 tuần tuổi
Thai nhi tuần 5 phát triển như thế nào?
Con mẹ khi được 5 tuần tuổi có kích thước bằng hạt mè và trông giống như một chú nòng nọc nhỏ hơn là một em bé.
Cho đến bây giờ, phôi thai đã chứa một khối lượng tế bào khá lớn. Vào thời điểm này, các ống thần kinh sẽ tạo thành tủy sống chạy dọc theo phôi thai và tạo nên não bộ, phần phình ra ở trung tâm phôi thai sẽ phát triển thành trái tim của bé. Lúc này, nhau thai cùng màng nhau có hình dạng như ngón tay cũng đang bắt đầu phát triển. Dinh dưỡng từ mẹ sẽ đi qua nhau thai và màng nhau để nuôi dưỡng bé.
Sự thay đổi trên cơ thể của mẹ ở tuần thai thứ 5
Cơ thể mẹ thay đổi như thế nào?
Có khi nào mẹ có cảm giác vui mừng khôn xiết trong một khoảnh khắc nhưng sau đó lại cảm thấy căng thẳng cực độ? Đó là sự thay đổi tâm trạng bất thường trong khi mang thai. Mẹ có thể cảm thấy phấn chấn, chán nản, giận dữ, vui vẻ để rồi cảm thấy vô cùng bất an. Đôi khi tất cả những cảm xúc trên có thể sẽ xảy ra chỉ trong vòng một giờ đồng hồ. Hormone của mẹ lúc này gia tăng rõ rệt, do đó việc cảm xúc của mẹ thay đổi liên tục là một điều hết sức bình thường. Đặc biệt hơn nữa, mẹ đang mang thai, đây là một bước ngoặt to lớn trong cuộc sống. Vậy nên, việc tâm trạng mẹ không thể ổn định là việc không thể tránh khỏi.
Tâm trạng hay thay đổi thường diễn ra mạnh mẽ nhất vào tháng thứ hai, và đôi khi hiện tượng này sẽ quay trở lại vào những tháng cuối của thai kỳ. Ngoài ra, mẹ có thể ngạc nhiên khi biết rằng khoảng 10–12% phụ nữ sẽ bị trầm cảm trong khi mang thai – con số này gần bằng tỷ lệ phụ nữ bị trầm cảm sau khi sinh. Nếu tại bất kỳ thời điểm nào suốt quá trình phát triển của thai nhi, mẹ cảm thấy chán nản trong hơn hai tuần, hãy đi khám bác sĩ để được tư vấn và chữa trị kịp thời.
Những điều mẹ cần lưu ý là gì?
Tập thể dục sẽ giúp mẹ tăng cường sức khỏe để chịu được cân nặng tăng thêm sau này của thai nhi. Ngoài ra, tập thể dục còn có thể giúp ngăn ngừa các cơn đau nhức trong thai kỳ, giảm stress và chuẩn bị thể trạng tốt cho mẹ trước khi sinh.
Lời khuyên của bác sĩ về thai kỳ 5 tuần
Mẹ nên trao đổi gì với bác sĩ?
Hãy đi khám thai sớm và cố gắng khám đúng lịch. Chăm sóc tốt trước khi sinh là một điều rất cần thiết để đảm bảo sức khỏe của mẹ và bé. Ở lần khám đầu tiên (thường là khi thai nhi được khoảng 8 tuần tuổi), mẹ sẽ thực hiện một số xét nghiệm để xác định và đề phòng các biến chứng có thể xảy ra. Ưu tiên hàng đầu lúc này của mẹ là lựa chọn ngày khám và đặt lịch hẹn với bác sĩ.
Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về các loại thuốc mà mẹ đang dùng. Rất nhiều loại thuốc, kể cả một số loại tưởng chừng rất an toàn và không cần kê đơn, lại không hề an toàn cho thai kỳ. Nếu đang uống thuốc điều trị bệnh mãn tính, mẹ không nên dừng uống ngay lập tức. Hãy đi bác sĩ để tìm hiểu những loại thuốc nào an toàn, loại nào không, kể cả thực phẩm bổ sung và các loại thảo mộc mà mẹ đang dùng.
Những xét nghiệm nào mẹ cần biết?
Mẹ sẽ được bác sĩ kiểm tra thể chất khi đi khám. Kiểm tra thể chất bao gồm kiểm tra cân nặng, chiều cao, đo huyết áp cũng như kiểm tra tổng quát sức khỏe của mẹ. Khám phụ khoa cũng là một phần quan trọng trong quá trình kiểm tra khi thai nhi 5 tuần tuổi. Khi kiểm tra âm đạo, một thiết bị được gọi là kẹp mỏ vịt sẽ được sử dụng. Thiết bị này giúp bác sĩ nhìn rõ cổ tử cung và độ mở tử cung, xác định những thay đổi của chúng và từ đó xác định được khoảng thời gian mà mẹ mang thai.
Sức khỏe của mẹ và thai nhi ở tuần 5
Mẹ cần biết những gì để đảm bảo an toàn trong thai kỳ?
1. Tiêm chủng
Mẹ hẳn sẽ vô cùng lo lắng khi đi tiêm chủng trong thời gian mang thai, đặc biệt là vào tuần thứ 5 của thai kỳ. Hãy an tâm! Những rủi ro mà mẹ có thể đối mặt sẽ tùy thuộc vào loại vắc xin mà con mẹ cần. Loại vắc xin duy nhất mẹ cần lo lắng khi tiêm chủng là các vắc xin chứa virus sống, chẳng hạn như vắc xin sởi, quai bị, Rubella và thủy đậu. Mẹ cũng đừng lo sợ nếu bản thân mình chưa được tiêm chủng trước đó bởi khả năng virus từ vắc xin lây từ bé sang mẹ là rất thấp. Trong trường hợp mẹ bị nhiễm virus, dù là rất nhẹ, điều này vẫn rất nguy hại cho bé. Tuy vậy, trường hợp như trên rất hiếm khi xảy ra.
2. Thực phẩm có thể gây hại cho thai phụ
Ngay cả khi không có cảm giác buồn nôn, mẹ cũng cần phải tránh xa một số loại thực phẩm có thể có hại trong suốt thai kỳ. Các bệnh ngộ độc thực phẩm do nhiễm vi khuẩn hay kí sinh trùng, chẳng hạn như ngộ độc do nhiễm khuẩn listeria và toxoplasmosis có thể gây ra dị tật bẩm sinh ở thai nhi hoặc thậm chí khiến mẹ bị sẩy thai. Dưới đây là một số loại thực phẩm mẹ cần phải tránh:
• Phô mai mềm chưa tiệt trùng (thường được quảng cáo là phô mai “tươi”) như phô mai làm từ sữa dê và phô mai xanh
• Sữa, nước trái cây và rượu táo chưa tiệt trùng
• Trứng sống hoặc thực phẩm có chứa trứng sống, bao gồm cả các loại bánh mousse và bánh tiramisu
• Thịt, cá và các hải sản có vỏ còn sống chưa qua chế biến
• Thịt chế biến sẵn, chẳng hạn như xúc xích và thịt nguội
• Những loại cá có hàm lượng thủy ngân cao bao gồm cả cá mập, cá kiếm hoặc cá kình.
Bệnh toxoplasmosis
Nếu nhà mẹ có nuôi mèo, hãy cẩn trọng! Bệnh toxoplasmosis – một loại bệnh gây ra bởi kí sinh trùng và có các triệu chứng giống cúm – có thể lây lan từ các ổ mèo không sạch sẽ. Vì vậy, hãy làm sạch các chất bẩn trong ổ mèo để đảm bảo an toàn trong suốt quá trình mẹ mang thai.